TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ HỘI AN

HOI AN MEDICAL CENTER

Địa chỉ: 04 Trần Hưng Đạo, Sơn Phong, Hội An, Quảng Nam

Điện thoại: 0235 3861364       Email: benhvienha@gmail.com

SỰ HÀI LÒNG CỦA BẠN – NIỀM VUI CỦA CHÚNG TÔI

YOUR SATISFACTION – OUR PLEASURE

Giờ làm việc
Sáng: 7h00 - 11h30 |  Chiều: 13h00 - 16h30

TIN TỨC SỰ KIỆN

XỬ TRÍ CA BỆNH HÔN MÊ SÂU SAU NGỘ ĐỘC PHENOBARBITAL

Thứ ba, 13/09/2022

Sáng ngày 12/09/2022, Bệnh viện đa khoa thành phố Hội An đã tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân bị hôn mê sâu sau ngộ độc Phenobarbital.

 

 

Bệnh nhân nam N.T.H, sinh năm 1959, trú tại Phước Hải, phường Cửa Đại, thành phố Hội An, vào viện lúc 08 giờ 33 phút ngày 12/09/2022 trong tình trạng hôn mê, cấu véo không đáp ứng, tim nhanh, phổi rale ẩm, SPO2 tụt 27%, suy hô hấp tuần hoàn. Qua thăm khám các bác sỹ xác định bệnh nhân bị ngộ độc Phenobarbital.

Các bác sỹ hội chẩn ngay tại phòng bệnh Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An và quyết định Đặt ống nội khí quản và xử trí Hồi sức- Hô hấp tuần hoàn giúp bệnh nhân tạm thời vượt qua tình trạng nguy kịch, mạch – huyết áp ổn, SPO2 99%, không tím tái. Sau đó ca bệnh đã được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.

Qua trường hợp trên, bệnh viện Hội An có một số khuyến cáo như sau:

Đối với người dân:

- Phenobarbital nói riêng và nhóm thuốc hướng thần nói chung được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về rối loạn tâm thần và nhận thức. Tuy nhiên chính nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc này lại có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc/quá liều thuốc dù vô tình hay tự ý do họ không tự kiểm soát được hành vi bản thân. Vì thế ai có người thân đang sử dụng những loại thuốc trên thì cần bảo quản thuốc kỹ lưỡng, cho bệnh nhân uống thuốc theo toa của bác sĩ và đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.

- Trong trường hợp ngộ độc/quá liều, người thân cần phải xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu, có uống thêm thuốc nào khác hay không. Các manh mối giúp gợi ý bao gồm, nhưng không giới hạn ở, số vỉ thuốc lọ thuốc xung quanh khu vực bệnh nhân ngộ độc, hỏi những nhà thuốc tây lân cận có bán thuốc cho bệnh nhân không, hình chụp thuốc bệnh nhân chia sẻ trên mạng xã hội, v.v… Có đủ những thông tin trên sẽ giúp cho nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời.

- Biện pháp sơ cứu ban đầu là uống than hoạt chỉ được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo.Vì thế khuyến cáo trong tủ thuốc của mọi gia đình nên có thêm than hoạt. Trong mọi trường hợp phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt. Càng để lâu cơ thể sẽ hấp thu thuốc càng nhiều và tình trạng ngộ độc sẽ nặng nề hơn. 

Đối với nhân viên y tế:

- Ngộ độc thuốc có thể được chẩn đoán gần như chắc chắn nhờ hỏi kỹ bệnh sử và thăm khám lâm sàng, không cần đợi kết quả tầm soát độc chất.

- Nhanh chóng áp dụng các biện pháp chống độc theo phác đồ khi đã xác định rõ nhóm thuốc thủ phạm để nhanh chóng đảo ngược tác dụng gây độc của thuốc.

- Phân biệt với các nguyên nhân gây hôn mê thường gặp khác (ngộ độc nhóm thuốc á phiện, thuốc hướng thần nhóm benzodiazepin, đột quỵ, hạ đường huyết, nhiễm trùng, …) vì sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

- Khi kê toa các nhóm thuốc hướng thần, bác sĩ nên ghi rõ cách uống thuốc đồng thời tư vấn về nguy cơ, dấu hiện nhận diện và cách xử trí ban đầu khi ngộ độc thuốc.

- Nhà thuốc khi bán những thuốc này phải có toa của bác sĩ rõ ràng. Từ chối bán thuốc cho bệnh nhân khi nghi ngờ có dấu hiệu muốn tự tử.

Đường dây nóng
 1900 9095